Đà Nẵng được xem là trái tim của toàn miền Trung, và là nơi có tốc độ phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây với hệ thống giao thông gần như kết nối tới mọi miền tổ quốc. Vậy nên, đường về Đà Nẵng chẳng hề xa vời như chúng ta vẫn tưởng, dù bạn ở bất cứ nơi đâu, bạn cũng có thể tìm kiếm những phương tiện di chuyển đến địa danh này một cách dễ dàng nhất.
Thông thường có ba loại phương tiện chính để di chuyển tới Đà Nẵng:
Máy bay
Cho dù bạn xuất phát từ Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh thì máy bay vẫn được xem là một phương tiện khá tuyệt vời để tiết kiệm thời gian. Bạn có thể chọn các hãng hàng không như: Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet Air, giá vé từng thời điểm dao động trong khoảng 600.000đ đến 2.200.000đ tùy hãng và chỉ mất khoảng 1h30p là bạn đã có mặt tại thành phố Đà Nẵng đẹp xinh.
Không những vậy, các hãng hàng không này vẫn thường có rất nhiều chương trình khuyến mãi, bạn có thể lên lịch và săn các loại vé giá rẻ để tiết kiệm chi phí tốt nhất.
Xe khách
Nếu bạn xuất phát từ Tp. Hồ Chí Minh, bạn có thể mua vé tại Bến xe miền Đông. Nếu bạn đang ở Hà Nội thì Bến xe Giáp Bát hay Bến xe Nước Ngầm cũng có các loại vé đi Đà Nẵng cho bạn lựa chọn.
Có rất nhiều hãng xe giường nằm của Mai Linh, Phương Trang, Hoàng Long,…. Với mức giá dao động từ 400.000đ – 600.000đ/ người. Tuy nhiên, bạn sẽ mất một thời gian khá dài để di chuyển, thường là khoảng 16 – 20 tiếng bạn mới có mặt tại Đà Nẵng.
Tàu hỏa
Một lựa chọn khá thú vị cho chuyến du lịch Đà Nẵng, bạn sẽ có những trải nghiệm chưa từng có khi được nhìn ngắm những cung đường mới lạ trong cuộc hành trình. Thông thường chi phí cho mỗi chuyến tàu từ Hà Nội/ Tp. Hồ Chí Minh – Đà Nẵng nằm trong khoảng 300.000đ – 1.200.000đ tùy loại ghế. Và bạn sẽ mất 14 – 20 tiếng nếu di chuyển bằng phương tiện này.
Khi đã đặt chân tới Đà Nẵng đẹp xinh, bạn có thể lựa chọn các phương tiện khác để thăm thú thành phố cũng như những địa danh lân cận. Thông thường, các du khách thường thuê xe máy ngay tại khách sạn để thoải mái hơn. Giá thuê xe máy cũng khá rẻ, từ 60.000đ – 150.000đ/ xe/ ngày. Tuy nhiên, xe buýt hay taxi cũng là một sự lựa chọn không tồi nếu bạn muốn đi xa hơn nữa. Hy vọng, tùy theo lịch trình của mình, bạn sẽ tìm kiếm được phương tiện phù hợp nhất.
Nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, do đó Đà Nẵng có hai mùa rõ rệt trong năm. Từ tháng 1 cho tới tháng 7 được gọi là mùa khô với khí hậu trong lành, trời trong, nắng đẹp. Trong khi đó từ tháng 8 tới tháng 12 có một mùa mưa kéo dài, không khí ẩm thấp, đôi lúc kèm theo những đợt dông bão.
Vậy nên, thông thường người ta chọn tới Đà Nẵng vào những ngày từ tháng 2 cho tới tháng 8. Đó được xem là thời điểm lý tưởng nhất để thưởng ngoạn trọn vẹn non nước mây trời của thành phố biển miền Trung.
Nếu bạn tới Đà Nẵng vào những ngày mùa hè, bạn sẽ được đắm chìm trong bức tranh trữ tình của biển xanh, của những bờ cát trắng tinh khôi và chìm đắm trong không gian mát lành của đại dương bao la. Biển thắm màu trời, rặng dương đung đưa trong gió và đâu đó, trên những bãi biển rực nắng vàng, biết đâu được có bóng dáng ai khiến bạn phải ngây ngất nhìn theo.
Và đôi khi, nếu thấy tiết trời mùa hè quá nóng, bạn có thể trốn lên đỉnh Bà Nà lộng gió hay đỉnh Bạch Mã quanh năm mây phủ.
Còn với những ai yêu thích cái không khí se lạnh của mùa đông, thì tới Đà Nẵng vào những ngày của tháng 12 – tháng 1 – tháng 2 vô cùng thích hợp. Không lạnh tái tê như miền Bắc, cũng không có nắng gay gắt như những tỉnh miền Nam, Đà Nẵng lúc này thơ lắm, nhưng cũng đủ khiến người ta muốn xích lại gần nhau.
Được đánh giá là một thành phố biển năng động và hiện đại, trong những năm gần đay du lịch Đà Nẵng phát triển không ngừng, các khách sạn, resort đua nhau mọc lên để đáp ứng nhu cầu của du khách. Vậy nên, tới Đà Nẵng, bạn sẽ chẳng phải lo sợ về nơi ăn chốn ở.
Khách sạn Đà Nẵng
Bạn có thể chọn những nhà nghỉ, khách sạn đủ tiện nghi ở dọc bờ biển hay ngay bên bờ sông Hàn lộng gió. Còn gì tuyệt vời hơn, khi sáng sớm tinh mơ được ngắm bình minh trên biển, rồi khi chiều xuống thấy bóng tịch dương làm ma mị cả một khoảng không.
Ở trung tâm thành phố cũng có không ít nơi lưu trú phù hợp với yêu cầu và ngân sách của mỗi người. Bạn có thể tìm trên những con đường Trần Phú, Phan Chu Trinh, Nguyễn Chí Thanh, Yên Bái, Đống Đa, Hùng Vương, Lê Duẩn..., bất cứ đâu cũng có thể khiến bạn cảm thấy ưng ý khi lựa chọn.
Resort Đà Nẵng
Ngoài ra, các resort ven biển cũng rất tuyệt vời cho những ai có điều kiện. Những InterContinental, Fusion Maia, Furama, Hyatt, Crown Plaza, Life Style, Ocean Villas, … với kiểu thiết kế đặc trưng và các tiện ích sang trọng, luôn mang tới cho bạn những kỳ nghỉ như mơ.
Tuy nhiên, nếu bạn du lịch Đà Nẵng vào những khoảng thời gian cao điểm, bạn nên gọi điện đặt trước phòng để có thể an tâm về nơi lưu trú ngay khi đặt chân tới.
Dường như tạo hóa quá ưu ái cho mảnh đất Đà Nẵng đẹp xinh, bất cứ nơi đâu trong lòng địa danh này, người ta cũng tìm thấy những cảnh sắc tuyệt vời nhất.
Đó là những bãi biển dài và đẹp mơ màng, nơi người ta được thỏa thê đùa nghịch với làn nước xanh tận đáy. Đà Nẵng có bãi biển Mỹ Khê, nơi được tạp chí Forbes bình chọn là một trong sau bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Đà Nẵng còn có bãi biển Phạm Văn Đồng, bãi biển Bắc Mỹ An cũng nên thơ không kém, khiến bất kỳ ai đã một lần được chạm chân trần trên làn cát mịn màng nơi ấy cũng quyến luyến chẳng muốn rời.
Được xây dựng trên trục chính của đường Bạch Đằng, nối liền bán đảo Sơn Trà và quận Hải Châu, cầu Sông Hàn là cây cầu quay mang niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Khi màn đêm buông xuống, ánh sáng lung linh tỏa ra từ cầu khiến du khách phải trầm trồ tán thưởng và đặc biệt hơn vào mỗi đêm, cầu lại quay 90 độ quanh trục giữa cầu, mang lại một ấn tượng rất riêng, mà ai đi rồi, nhắc về Đà Nẵng cũng nhớ tới cầu Sông Hàn đầy mê hoặc.
Người ta gọi Sơn Trà là viên ngọc quý của Đà Nẵng với những bờ biển kéo dài, uốn lượn mà nhìn từ trên cao cảm tưởng như một dải lụa mềm của nàng tiên nữ bỏ quên.
Đường lên đỉnh Sơn Trà cũng nên thơ lắm với những rừng cây xanh mướt bao bọc hai bên, để rồi khi vi vu trên những chiếc xe, ta cảm nhận được làn gió thiên nhiên đang mơn trớn trên da thịt. Không những vậy, Sơn Trà có có nhiều điểm tham quan chẳng thể bỏ qua. Ở đó có chùa Linh Ứng với tượng Phật Bà Quan Âm cao nhất Việt Nam, đang đứng trầm ngâm nhìn ra biển lớn như phù hộ cho sóng yên biển lặng để những dân chài có cuộc sống ấm no.
Ở đó có Bãi Bụt nằm ẩn mình trong eo biển, mang đậm nét nguyên sơ từ thuở xa xưa.
Rồi người ta lại đắm chìm trong khung cảnh giao thoa giữa biển và rừng, ngắm nhìn thế giới muốn màu của động thực vật và tự mình thong dong trên mình chiếc thuyền thúng đơn sơ, câu cá, câu mực cho thú đời thêm đặc biệt.
Ngũ Hành Sơn cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 7km về phía Đông Nam, nơi mà trong ký ức của nhiều người vẫn tưởng nhớ về một vùng “địa linh” xứ Quảng.
Ngũ Hành Sơn gồm các gồm 5 ngọn núi đá vôi nằm rải rác: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi ở mang một hình hài rất riêng mà chỉ khi đặt chân lên khám phá người ta mới cảm nhận được đủ đầy nhất cái không khí trong lành, yên ả nhưng cũng phảng phất một chút tâm linh.
Nếu tới Ngũ Hành Sơn, bạn nhớ ghé Làng đá Mỹ nghệ Non Nước nằm ngay dưới chân núi, nơi sản xuất đồ mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch nổi tiếng khắp mọi miền.
Cách Đà Nẵng 25km về phía Tây Nam, đỉnh Bà Nà nằm ở độ cao 1487m so với mực nước biển. Bất cứ thời điểm nào, Bà Nà cũng mát lành như thế khiến bao người tìm tới để trốn nóng những ngày hè.
Lên tới Bà Nà là ta thấy mình lạc bước vào một thế giới thần tiên. Ở đâu đó là khu làng Pháp với thiết kế đầy sáng tạo mang người lữ khách tới một ngôi làng nhỏ trong câu chuyện cổ tích thuở bé thơ.
Rồi người ta lại tìm thấy cả một vườn xuân trên đỉnh núi, hoa nở bốn mùa, những cánh rừng nguyên sinh ẩn chứa bao loài thực vật quý hiếm, và cả những thảm xanh đầy mê hoặc. Tất cả đều mang trong mình cái hương trời thanh khiết, cái hoang dã của đại ngàn và một chút man mác từ biển cả phía dưới kia, đủ đầy phong vị, trọn vẹn sắc màu, khiến lòng người bỗng trở nên tươi vui đến lạ.
Lên đỉnh Bà Nà cũng có nhiều địa điểm tâm linh lắm, có Chùa Linh Ứng Tự, Đền Lĩnh Chúa Linh Từ, Tháp Linh Phong Tự, Lầu Chuông, Miếu Bà và cả Thác Tóc Tiên gắn liền với một truyền thuyết đẹp.
Để rồi, khi đứng trên đỉnh Bà Nà lộng gió ta như thu cả vào tầm mắt một bức tranh non nước hữu tình của đại dương, của nắng, gió và xa xa kia là Đà Nẵng huyền ảo trong đêm.
Đó là một làng nghề nằm ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, nơi mà nghề chiếu đã được duy trì và gìn giữ bao thăng trầm của thời gian. Nếu có dịp về Đà Nẵng khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 dương lịch, bạn nhé ghé Cẩm Nê để chiêm ngưỡng trọn vẹn cuộc sống lao động nhộn nhịp và ngắm nhìn những sự ra đời của những chiếc chiếu đầy màu sắc mà người ta chuẩn bị cho một năm mới đang về.
Tới Cẩm Nê, bạn sẽ cơ hội được sờ tận tay những khung cửi dệt chiếu thủ công, rồi tròn mắt ngạc nhiên trước những sân phơi đầy chiếu và đâu đó trên những mảnh chiếu nhìn rất đơn sơ ấy là nét hoa văn mang nét nghệ thuật dân gian. Vậy mới hiểu vì sao mà sản phẩm truyền thống của làng lại được dịp trong nội triều của các vua nhà Nguyễn.
Một địa danh mang đấm dấu ấn lịch sử và bản sắc của làng quê Việt mà đâu đó người ta bắt gặp những cổng làng còn giữ nguyên vẹn lối kiến trúc của thời xa xưa, những gốc đa già lặng im bên con đường yên ả, và rồi những ngôi nhà đơn sơ, những cánh đồng xanh mướt bên triền đê ngập nắng. Tất cả như nét chấm phá đầy ngộ nghĩnh của bức tranh làng quê mộc mạc, yên bình.
Ghé làng cổ Túy Loan chắc hẳn bạn phải tới thăm đình Túy Loan, nơi lưu giữ 20 sắc phong thần mà sắc xa nhất, người ta tính được từ thời Minh Mạng. Đình Túy Loan mang một kiến trúc rất đặc trưng, có những bức bình phong kiểu cuốn thư được lắp ghép bằng nghệ thuật sành sứ. Đặc biệt hơn nữa là các cột đình được chạm khắc bởi những nét hoa văn cách điệu. Đó là những nét rất cổ, mang đậm truyền thống ngàn đời của dân tộc, để đình Túy Loan ngày nay được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Mỗi một vùng quê đều mang một nền ẩm thực đặc trưng, và Đà Nẵng cũng thế, có chăng ẩm thực Đà Nẵng lại được sản sinh từ chính cái nắng gió bao mùa của miền Trung yêu dấu. Đến Đà Nẵng một lần, thưởng thức những món ngon trên những cung đường mà ta đã đi quả, ắt hẳn sẽ khiến bao người nhớ mãi, chỉ mong rằng, được một lần nữa thưởng thức trọn vẹn hơn.
Những món ăn hút hồn người ở Đà Nẵng đẹp xinh
Đầu tiên phải kể tới Mì Quảng. Ghé một quán ăn ở Đà Thành, gọi một tô mì Quảng, có lẽ ta sẽ ngạc nhiên bởi danh sách những món mì Quảng đa dạng ở đây, nào mì Quảng sườn non, mì Quảng cá lóc, mì Quảng lươn cho tới mì Quảng chả cua, mì Quảng tôm, gà, trứng thịt. Mỗi công thức chế biến mang một phong vị rất riêng nhưng những cọng mì dày, to, cứng và trông rất thô lại là một nét đặc trưng không thể quên trong tô mì Quảng. Để rồi cho đủ đầy hương vị, người ta thêm vào một chút đậu phộng rang, chút bánh tráng mè nướng giòn là thấy hương thơm đã vờn bay quanh mũi, và vị ngon cứ thế quyện trên đầu lưỡi người dùng.
Hệ thống ẩm thực phong phú
Đà Nẵng cũng còn nhiều món ăn đặc biệt lắm. Ai có thể bỏ qua bún chả cá thơm lừng, món gỏi Nam Ô đầy mời lạ, bánh tráng thịt heo giản dị hay những chiếc bánh xèo nóng hổi, những chén bánh bèo trắng trong, rồi cả bê thui Cầu Mống, ốc hút cay cay, món mít trộn đầy màu sắc. Đó mới chỉ là một phần rất nhỏ của nền ẩm thực Đà Thành, nhưng có lẽ mỗi khi người ta nhắc tới mảnh đất này, họ lại thủ thỉ rủ nhau đi thưởng thức cho bằng hết.
Ẩm thực Đà Nẵng phong phú lắm, những tựu chung lại nó vẫn mang trong mình cái hồn của biển cả, của đồng quê và hơn hết là tình người dạt dào qua bao năm tháng. Những món ăn được tạo ra từ bàn tay nghệ thuật của người đầu bếp nhưng ẩn sâu trong đó ta cảm nhận được tình quê hương, tình đất nước và lòng mến khách của những con người mảnh đất miền Trung.
Kết thúc cuộc hành trình thăm thú, có đôi khi ta còn tiếc nuối chút đó ở mảnh đất Đà Thành, muốn mang về vài kỷ niệm để đánh dấu những chặng đường đi qua hay đơn giản muốn kiếm vài món quà tặng bạn bè, người thân sau những ngày du ngoạn. Vậy Đà Nẵng có gì để mang về làm quà nhỉ?
Đà mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn
Một món quà mang đặc trưng riêng của đất Đà thành. Bạn có thể chọn cho mình những món đồ trang sức nhỏ xinh như vòng, nhẫn, chuỗi hạt, được chạm khắc tinh tế với đầy đủ sắc màu. Nếu ưa thích đồ trang trí văn phòng, nhà ở thì những con cóc chặn giấy bằng đá bích vân, những cặp sư tử hí cầu, cặp cá thần tiên vừa mang ý nghĩa phong thủy tốt đẹp vừa khiến bạn thỏa mắt nhìn.
Mỹ thực Đà Nẵng
Tới Đà Nẵng chắc hẳn bạn không thể không mua về chút Tré Bà Đệ, bánh khô mè, các loại hải sản khô, ít chả bò, mực rim, mắm dưa, mắm nêm, mắm ruốc, nước mắm Nam Ô hay rong biển Mỹ Khê. Đó đều là những đặc sản mang đậm phong vị Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung, những món quà tuy giản dị những chắc hẳn sẽ khiến người nhận phải trầm trồ.
Những thức quà thơm lừng mũi, mà ai tới Đà Nẵng cũng muốn xách về thật nhiều, giữ lại một ít để thưởng thức về sau hay chia sẻ cùng bạn bè những món ngon trên mọi miền tổ quốc. Cứ thế Đà Nẵng nhẹ nhàng đi vào lòng người bởi những đặc sản mộc mạc mà rất riêng, khiến mỗi khi tìm tới, người ta lại dặn lòng, phải giữ lại riêng mình những phong vị đặc trưng ấy.
Không chỉ có những cảnh đẹp lay động lòng người, Đà Nẵng còn là nơi lưu giữ những lễ hội – văn hóa mang đậm truyền thống của dân tộc từ xa xưa. Dường như nét văn hóa tâm linh của người Đà Nẵng thể hiện đủ đầy qua các lễ hội dân gian như: Lễ hội làng Túy Loan, lễ hội đình làng Hòa Mỹ, lễ hội đình làng An Hải, lễ cầu ngư. Ở đó, người ta bắt gặp những nghi thức cầu quốc thái dân an, tri ân các bậc tiền nhân có công khai đất lập làng, cúng tổ nghề và cầu mưa thuận gió hòa, để cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc.
Để rồi, khi phần nghi lễ kết thúc, người ta lại hòa mình vào những trò chơi dân gian, cùng thi tài năng ẩm thực truyền thống, như một cách giữ gìn những nét đẹp văn hóa muôn đời.
Bên cạnh đó, lễ hội Quán Thế Âm cũng là một nét đặc trưng mang màu sắc tôn giáo qua nhiều thế kỷ. Đây là một trong những lễ hội cấp quốc gia, bao gồm đủ đầy phần lễ và phần hội như một lời nguyện cầu cho cuộc sống an lành.
Trong đó, phần lễ thể hiện những lễ nghi của Phật Giáo như: Lễ rước ánh sáng, Lễ khai kinh, Lễ trai đàn chẩn tế, Lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc, Lễ rước tượng quan Thế Âm. Phần hội lại gồm nhiều hoạt động văn hóa thể thao mang mang những bản sắc dân tộc vừa phảng phất cuộc sống hiện đại như hóa trang, hát dân ca, thi cờ, nhạc, họa, múa tứ linh, hát tuồng và thả đèn trên sông.
Những nét đẹp văn hóa được truyền lại từ bao đời, và hôm nay trên tình thần của thời đại mới, con người hòa mình vào một cuộc sống mới, văn minh, hiện đại hơn những ẩn sâu trong tâm tưởng vẫn là tấm lòng hướng về tổ tiên, nguồn cuội. Những lễ hội văn hóa cùng từ đó được bảo tồn và gìn giữ, trở thành một nét không thể thiếu của đời sống cộng đồng, và khiến con cháu hôm nay, cả mai sau nữa cứ mãi tự hào.
Những lưu ý nhỏ nhưng lại góp phần để chuyến hành trình thêm trọn vẹn. Vậy nên, nếu bạn có kế hoạch đi Đà Nẵng, đừng bỏ qua những điều sau, hy vọng những điều nhỏ nhoi ấy lại giúp bạn có được những giây phút trải nghiệm thật tuyệt vời: